Cũng như chùa Láng ở quận Đống Đa, chùa Thầy là nơi trụ trì của ngài Từ Đạo Hạnh trong giai đoạn sau cùng của đời ngài. Chùa nầy tọa lạc trong khu vực của dãy núi Sài Sơn, thuộc làng Hoàng Xá, xã Phượng Cách, huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây. Hội chùa được mở từ mồng 5 đến mồng 7 tháng ba hàng năm.
Mở hội, các nhà sư, Phật tử và nhân dân làm lễ tắm tượng, lau dọn khám thờ. Nước tắm tượng được vẩy khắp nơi cho người khang vật thịnh. Chiếc khăn tắm tượng được chia nhau làm bùa cho trẻ con tránh tà khí.
Tiếp đến là lễ cúng Phật và chạy đàn. Đây là nét đặc sắc nhất của phần lễ trong lễ hội chùa Thầy. Đây là một hình thức diễn xướng mang tính chất tôn giáo có sự hỗ trợ của các nhạc cụ. Các nhà sư với bộ áo cà sa sang trọng, tay cầm gậy hoa biểu diễn những bước múa lượn vòng tròn, bước nhanh. bước chậm thê hiện một chuyến đi không ngừng của kiếp người để vươn tới điều cao đẹp. Trong khung cảnh như mờ ảo xa vời, các nhà sư vừa đi vừa múa hát theo dàn nhạc đệm và tiếng mõ tụng kinh. Nó có sức hấp dẫn như một ma lực khôn cưỡng, cuốn hút người xem vào một thế giới linh thiêng huyền bí đậm chất Thiền.
Phần hội diễn ra tưng bừng với các trò chơi dân gian như chọi gà, đấu vật, đặc biệt là trò múa rối. Pháp sư Từ Đạo Hạnh được xem là vị tổ sư của nghề múa rối vùng chùa Thầy.
Sự hấp dẫn của hội chùa Thầy còn là cuộc hành hương của du khách lên thăm quần thể hang động và chùa chiền rất đẹp gắn với nhiều huyền tích về đất Phật. Cuộc hành trình đi từ chùa Cao - chùa Một Mái hang Bụt Mọc - hang Thánh Hoá - hang Cắc Cớ - động Gió Lùa - chợ Trời rồi trở về ao Rồng, nhà Rối phía trước chùa chính (chùa Cao). Du khách được thưởng ngoạn toàn bộ khung cảnh hùng vĩ của núi Thầy, chứng kiến cái sâu thăm thẳm của hang Cắc Cớ với nhưng truyền thuyết về nơi đây.
Lễ hội chùa Thầy là một trong những lễ hội đặc sắc nhất trong hệ thống lễ hội của nước ta.Nó là biểu hiện sinh động của sự kết hợp 3 tôn giáo Phật, Đạo, Nho và tín ngưỡng dân gian. Lễ hội đặc biệt hấp dẫn ở loại hình diễn xướng Phật giáo đầy tính nghệ thuật.